Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_phòng_ngự_hồ_Balaton

Đài tưởng niệm chiến thắng của quân đội Liên Xô tại Székesfehérvár.

Kết quả

Trong số 504 xác xe tăng do các lực lượng bảo vệ hậu phương quân đội Liên Xô kiểm đếm được trên chiến trường vùng hồ Balaton sáng 23 tháng 3 năm 1945, có 269 chiếc bị trúng rocket và đạn pháo từ các máy bay cường kích Liên Xô, 171 chiếc bị phá hủy bởi pháo tăng và pháo chống tăng, 26 chiếc bị nổ tung trong các bãi mìn, 21 chiếc bị diệt bởi lựu đạn và thủ pháo chống tăng, 17 chiếc bị bỏ lại khi đã dùng hết sạch nhiên liệu.[29]

Chiến dịch phòng ngự hồ Balaton đã làm tiêu hao những lực lượng dự bị mạnh cuối cùng của nước Đức Quốc xã. Hơn 40.000 quân Đức và tàn quân Hungary của tướng Ferenc Szálasi đã bỏ mạng và bị thương trong thời gian diễn ra cuộc phản công của quân Đức tại phía nam hồ Balaton. Nghiêm trọng hơn là Tập đoàn quân xe tăng 6 SS, một trong những binh đoàn đột kích giỏi nhất của nước Đức Quốc xã đã mất sức chiến đấu sau chiến dịch này. Sau chiến dịch này, chính phủ Ferenc Szálasi hoàn toàn trở thành một chính quyền bù nhìn khi không còn quân đội và nước Đức Quốc xã đã không còn đủ sức mạnh để chống đỡ cho họ.

Quân đội Liên Xô cũng chịu tổn thất gần 33.000 người chết và bị thương. Tuy nhiên, tổn thất đó chỉ là một phần nhỏ so với toàn bộ 140.000 quân nhân Xô Viết cùng hàng vạn quân nhân Bulgaria và Nam Tư đã ngã xuống tại Hungary để giải thoát đất nước này khỏi chế độ chiếm đóng của Phát xít Đức.

Chiến dịch phòng ngự hồ Balaton đánh dấu kết thúc cho một trong bốn mặt trận khốc liệt nhất ở Đông Âu trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Về quy mô binh lực tham gia, tổn thất nhân mạng và phương tiện, thời gian diễn biến và mức độ ác liệt, mặt trận Hungary chỉ đứng sau mặt trận Ba Lan, mặt trận Berlin và sánh ngang với mặt trận Đông Phổ.

Đánh giá

Trận đánh tại hồ Balaton là một thất bại quá rõ ràng đối với quân Đức. Mặc dù quân đội Đức Quốc xã đã chọc thủng một đoạn phòng tuyến của quân đội Liên Xô và đột phá được chiều sâu đáng kể, nhưng tất cả những mục tiêu chiến dịch đều không hoàn thành được và đồng thời quân Đức còn hứng chịu tổn thất nặng nề. Lý do của thất bại này không gì khác chính là những sai lầm cố hữu trong tư duy quân sự của Hitler. Giống như các chiến dịch "Konrad I" và "Konrad II", Hitler đã đặt ra quá nhiều mục tiêu cho Cụm tập đoàn quân Nam nói chung và Tập đoàn quân xe tăng 6 SS nói riêng. Ông ta không chỉ yêu cầu tái chiếm lại Budapest mà còn phải hất Phương diện quân Ukraina 3 ra khỏi bờ Tây sông Danube và ngăn cản đà tiến quân của Phương diện quân Ukraina 2. Đồng thời, quân Đức cũng phải căng sức ra bảo vệ khu mỏ dầuNagykanizsa phía Nam hồ Balaton. Đối với sức lực của quân đội Đức quốc xã hiện tại thì họ khó mà đảm đương tất cả những nhiệm vụ ấy. Chỉ riêng một mục tiêu bao vây và tiêu diệt cả một phương diện quân Liên Xô (Phương diện quân Ukraina 3 có 4 tập đoàn quân Liên Xô, 1 Tập đoàn quân Bulgaria và 1 Tập đoàn quân Nam Tư) đã là quá sức đối với Tập đoàn quân xe tăng 6 SS, Tập đoàn quân xe tăng 2 và một phần Tập đoàn quân 6 (Đức). Trong khi đó, không quân Đức Quốc xã dù ở gần các sân bay của mình hơn nhưng không còn đủ số lượng máy bay trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu để đối phó với Không quân Xô Viết. Quân đội Liên Xô năm 1945 đã khác hẳn quân đội Liên Xô năm 1941 không chỉ về trang bị vũ khí, kỹ thuật mà còn về kỹ năng tổ chức chiến đấu và tinh thần chiến đấu. Trong khi đó, những sĩ quan và binh lính ưu tú của quân đội Đức Quốc xã, dày dạn trận mạc đã hao hụt nhiều qua 4 năm chiến tranh. Thành phần quân đội Đức Quốc xã (kể cả lực lượng SS) đầu năm 1945 gồm 2/3 là quân mới, chưa được huấn luyện kỹ và một nửa trong số đó mới giáp trận lần đầu. Cho dù trên chiến trường, quân đội Đức Quốc xã vẫn có đủ các tập đoàn quân, quân đoàn, sư đoàn nhưng về nhân sự, chất lượng của quân đội Đức Quốc xã đã kém hơn nhiều so với thời điểm 1941-1942. Vì vậy, Tập đoàn quân xe tăng 6 SS gần như phải gánh toàn bộ sức nặng của cuộc chiến trong khi Quân đoàn xe tăng 3 chỉ đóng vai trò một phụ công trên hướng thứ yếu. Cuối cùng, việc sử dụng Quân đoàn xe tăng 4 SS một cách vội vã trong các trận tấn công nhằm giải vây cho các lực lượng Đức ở Budapest hồi tháng 1 năm 1945 đã làm tiêu hao quân đoàn này, khiến cho nó không thể hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động của quân Đức trên hướng Bắc hồ Velence, một hướng tấn công quan trọng khả dĩ có thể phối hợp với Quân đoàn xe tăng 2 SS để hợp vây Tập đoàn quân 27 (Liên Xô). Có thể nói, những sự kiện diễn ra ở khu vực Balaton - Velence mùa xuân năm 1945 là một trong những ví dụ điển hình cho sự liều lĩnh đến mức vô lý của Hitler trong giai đoạn cuối cuộc chiến.

Về mặt chiến lược và chiến dịch, đợt tấn công của quân Đức là một thất bại toàn diện, tuy nhiên về mặt chiến thuật thì nó cho thấy đến tận giai đoạn cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ hai, sức mạnh vốn có của quân đội Đức Quốc xã vẫn chưa hoàn toàn mất hẳn, thể hiện qua những thành quả chiến thuật tương đối đáng kể mà các mũi tấn công của họ đạt được. Tuy nhiên, sự lóe sáng của quân đội Đức Quốc xã không thể cứu họ thoát khỏi thất bại cầm chắc trước một địch thủ quá áp đảo về mọi mặt: chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, quân đội Liên Xô đã đẩy quân Đức chạy lui về điểm xuất phát. Thành quả chiến thuật giành được sau 10 ngày chiến đấu đẫm máu đã bị mất trắng trong vòng 1 ngày.

Thời tiết cũng là một nhân tố không nhỏ góp phần cho sự thất bại của "Mùa xuân Tỉnh thức". Thật vậy, thời tiết xấu đã biến khu vực hồ Balaton thành một bãi lầy đúng nghĩa đen và nó đã vô hiệu hóa các mũi tấn công xe tăng vốn là át chủ bài của quân Đức. Những gì diễn ra tại Balaton giải thích tại sao "tướng bùn" và "tướng băng giá" thường xuyên bị các tướng lĩnh Đức than phiền trong các báo cáo và hồi ký của mình:

Các xe tăng được tung vào trận địa nhằm khai thác các chiến quả ban đầu, nhưng khu vực này không thể di chuyển (bằng xe tăng) được. Đất vốn được cho là đã đóng băng, và địa hình theo tướng Weller là có thể đi bộ qua được, nhưng thực tế đất rất ẩm ướt và lầy lội. Vì để đảm bảo bí mật, tôi không được phép tổ chức trinh sát địa hình. Cuối cùng, kết quả là 132 xe tăng kẹt cứng trong bùn và 15 xe tăng "Vua Cọp" bị ngập đến tận tháp pháo. Cuộc tấn công chỉ có thể được thực hiện bởi bộ binh.
— Josef Dietrich, tư lệnh Tập đoàn quân thiết giáp SS số 6, [11]

Tuy nhiên, ảnh hưởng của thời tiết thì không chừa riêng ai, và quân đội Liên Xô cũng gặp không ít khó khăn trong việc khắc phục những bãi lầy nằm trên địa hình phức tạp của khu vực:

Mùa xuân tan băng sớm đã làm cho tháng 3 năm 1945 nóng lên đáng kể và làm giảm sức cơ động của các phương tiện vận tải, đặc biệt là các xe tăng phải di chuyển trên những con đường phủ đầy băng tuyết bị cày nát. Điều này dẫn đến tốc độ di chuyển của xe tăng và xe thiết giáp đã bị hạn chế. Chúng ta cũng phải tính đến thực tế rằng khu vực Sharkerestur - Kyulshe - Pyulpekt - Genrikh là khu vực đầm lầy bị cắt xẻ bởi rất nhiều kênh đào. Hoạt động của xe tăng và pháo tự hành chỉ khả thi trên các vùng đất bằng phẳng.
— Báo cáo tháng 3 năm 1945 của Quân đoàn cơ giới số 1, [36]

Đại tướng S. M. Shtemenko đã nhận định về trận phòng ngự hồ Balaton như sau:

Trận phòng ngự Balaton là một ví dụ nữa của tinh thần dũng cảm, ngoan cường, bất khuất và chủ nghĩa anh hùng của các binh sĩ Liên Xô. Chỉ trong hai ngày chiến đấu, quân địch đã mất gần 100 xe tăng và pháo tự hành, và trong toàn bộ trận đánh (6-15 tháng 3) chúng đã mất gần 500 xe ! Chủ nghĩa anh hùng tập thể của binh lính và sĩ quan thuộc Phương diện quân Ukraina 3 đã đật tan hy vọng cuối cùng của bộ chỉ huy Hitler nhằm khôi phục lại tình hình ở Trung Âu. Chiến thắng của chúng ta cũng đã đóng góp đáng kể cho hoạt động quân sự của quân Anh-Mỹ ở Ý và giúp hoàn thành việc đánh bại quân xâm lược tại Nam Tư.
— S. M. Shtemenko, [15]

Ảnh hưởng

Về quân sự, chiến dịch phòng ngự hồ Balaton đã mở ra nhiều con đường tiến đến thành Viên và phía nam nước Đức cho quân đội Liên Xô. Nó cũng mở ra khả năng chi viện trực tiếp cho những người Slovakia đang khởi nghĩa từ cuối năm 1944. Cùng với các chiến dịch Đông Pomerania và Chiến dịch Hạ Silesia, chiến dịch này báo trước sự sụp đổ không tránh khỏi của quân đội Đức Quốc xã tại mặt trận phía Đông nói chung cũng như toàn bộ Đế chế thứ ba đang chống giữ tuyệt vọng tại mặt trận Berlin.

Về chính trị, sự thất bại của quân đội Đức Quốc xã và lực lượng xe tăng SS (Đức) trong chiến dịch này đã làm tiêu tan hy vọng của chính quyền Đức Quốc xã trong việc chuyển trọng tâm kháng chiến từ Berlin về vùng núi Áo - Tiệp Khắc và miền Nam nước Đức. Những công trình xây dựng kiên cố ở vùng Rasteinburg vẫn chưa thể hoàn thành trong khi nước Đức Quốc xã đã tiêu hao nốt những binh đoàn xe tăng chủ lực cuối cùng khả dĩ có thể bảo vệ được vùng này.

Về kinh tế, nước Đức Quốc xã cũng không thể đạt được mục tiêu bảo vệ nguồn dầu mỏ cuối cùng tại khu vực phía bắc hồ Balaton và phía Nam sông Danube trên khu vực biên giới Áo - Hung. Mất nguồn dầu mỏ này, nước Đức Quốc xã hầu như không còn nguồn nhiên liệu thay thế. Điều đó có nghĩa là tàu chiến, xe tăng và máy bay sẽ nằm bất động, pháo binh sẽ không có xe kéo. Những cỗ xe chạy bằng khí đốt từ than (kể cả than củi) bắt đầu xuất hiện ở Dresden, Leipzig và nhiều thành phố khác của nước Đức đủ nói lên điều này. Mặc dù nước Đức vẫn còn dự trữ chiến lược cho 6 tháng nhưng việc để mất nguồn dầu mỏ tại Hungary đã làm suy yếu nghiêm trọng tiềm lực kinh tế - quốc phòng của chế độ Đức Quốc xã.

Về tinh thần, thất bại tại khu vực phía Nam hồ Balaton đã đem lại một nỗi thất vọng lớn cho giới chính trị Đức. Mặc dù Hitler và những người thân cận với ông ta như Joseph GoebbelsMartin Bormann vẫn lớn tiếng hô hào người Đức phải chống cự đến cùng nhưng nội bộ chế độ Quốc xã Đức bắt đầu rạn nứt nghiêm trọng. Cuối tháng 3 năm 1945, Heinrich Himmler bắt đầu vạch lối thoát cho chế độ Quốc xã Đức bằng cách liên kết với phương Tây. Tháng 3 năm 1945, các cuộc tiếp xúc giữa đại diện của Himmler, thiếu tướng tình báo SS Walter Schellenberg với bá tước Folke Bernadotte (Thụy Điển) để bàn về việc cứu giúp các thành viên của Đảng Quốc xã Đức núp dưới vỏ bọc những người Do Thái bị chế độ Quốc xã ngược đãi.[37] Cùng thời điểm đó, "Chiến dịch Sunrise" (còn có tên khác là "Trò chơi ô chữ"), một cuộc đàm phán khác do trung tướng SS Karl Volf, dưới sự chỉ đạo của Heinrich Himmler cũng được tiến hành bí mật với Allen Dulles, trưởng chi nhánh cơ quan đặc biệt Hoa Kỳ OSS tại châu Âu với mục đích "cứu chế độ Đức Quốc xã khỏi sự đầu hàng trước những người Bolsevich".[38]

Kết quả thất bại của Chiến dịch Frühlingserwachen đã tạo ra những bất lợi mới cho nước Đức Quốc xã trên mặt trận ngoại giao trong khi các cuộc đàm phán với phương Tây mới chỉ ở giai đoạn sơ khởi. Chỉ kìm chân được quân đội Liên Xô trong 10 ngày, chế độ Quốc xã Đức và cá nhân Adolf Hitler không còn đủ thời gian chuyển trọng tâm kháng chiến của nước Đức Quốc xã sang vùng núi giữa Áo và Tiệp Khắc để mong có một sự khoan dung từ các nước đồng minh phương Tây. Mất Hungary đồng nghĩa với việc mất luôn cả nước Áo, Hitler buộc phải chọn nước cờ cuối cùng: cố thủ tại Berlin.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_phòng_ngự_hồ_Balaton http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/h/17va/05.html http://militera.lib.ru/h/samsonov2/19.html http://militera.lib.ru/memo/german/guderian/11.htm... http://militera.lib.ru/memo/german/guderian/index.... http://militera.lib.ru/memo/other/panchevsky_p/05.... http://militera.lib.ru/memo/russian/9may/13.html http://militera.lib.ru/memo/russian/9may/20.html http://militera.lib.ru/memo/russian/agafonov_vp/03...